top of page

Trẻ Em Qua Đời Trước Khi Tin Chúa Có Được Lên Thiên Đàng Không?

Đã cập nhật: 24 thg 12, 2024



 

Một ngày nọ, khi đang lướt Facebook, tôi tình cờ đọc được một bài đăng với câu hỏi: “Một đứa trẻ qua đời khi chưa kịp tin nhận Chúa Giê-xu có được lên thiên đàng hay không?”


Mặc dù Kinh Thánh không đưa ra câu trả lời rõ ràng, nhưng trong đó có nhiều gợi ý cho thấy các em sẽ được lên thiên đàng. Sau đây là một vài ví dụ:


  • Câu chuyện của Vua Đa-vít: Ông đã phạm tội ngoại tình với Bết-sê-ba và hậu quả là con của hai người đã chết (2 Sa-mu-ên 12). Khi con ông bị bệnh nặng, Đa-vít than khóc. Nhưng khi đứa trẻ qua đời, Đa-vít ngừng than khóc và trở lại thờ phượng Chúa. Hành động của ông khiến các tôi tớ ngạc nhiên. Khi được hỏi vì sao ông lại thay đổi tâm trạng như vậy, Đa-vít đã trả lời:

Khi đứa bé còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc vì nghĩ rằng: “Biết đâu Ðức Giê-hô-va sẽ thương xót ta, và cho nó được sống!” Nhưng bây giờ nó đã chết thì ta kiêng ăn làm gì? Ta có thể làm cho nó trở lại được sao? Ta sẽ đi đến với nó, nhưng nó không trở lại với ta.” (2 Sa-mu-ên 12: 22, 23)

Đa-vít biết ông sẽ được gặp lại đứa con đã qua đời của mình trên thiên đàng.


  • Trong Phúc âm Mác, Chúa Giê-xu phán với các môn đồ rằng:

Hãy để con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì vương quốc Ðức Chúa Trời thuộc về những ai giống như các con trẻ ấy. (Mác 10:13)

Câu nói đó ngụ ý rằng Đức Chúa Trời đã chấp nhận các em vào thiên đàng. Khi đọc tiếp Phúc Âm Mác, ta có thể thấy cách Đức Chúa Trời đã đối xử với các em:

Rồi Ngài ẵm những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng và ban phước cho. (Mác 10:16)

Thật khó tưởng tượng khi một đứa trẻ đã được Chúa Giê-xu ban phước lại phải chịu đựng kết cục đau đớn ở địa ngục.


Câu hỏi tiếp theo chúng ta phải xem xét là: Ở độ tuổi nào thì các em sẽ không còn là trẻ em và phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình?


Có thể bạn đã nghe đến cụm từ “tuổi chịu trách nhiệm” — quan điểm cho rằng trẻ em không phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của chúng cho đến một độ tuổi nhất định và những đứa trẻ qua đời trước độ tuổi đó sẽ được lên thiên đàng. Thế nhưng, Kinh Thánh không đề cập rõ ràng về độ tuổi chịu trách nhiệm là bao nhiêu.


Phao-lô dạy, trích dẫn những đoạn Kinh Thánh Cựu Ước, không có người công chính và tất cả đều đã phạm tội (Rô-ma 3:10-18 và 3:23). Chúng ta sinh ra trong tội lỗi — nguyên tội (Rô-ma 5:12).


Vua Đa-vít viết:

Thật, con sinh ra trong sự gian ác, Mẹ con đã hoài thai con trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5)

Trên ánh sáng những phân đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta có thể kết luận là các em cũng có bản chất tội lỗi và phạm tội. Vì vậy, vấn đề cần bàn ở đây không nằm ở chỗ phạm tội mà là trách nhiệm với tội lỗi. Vậy, câu hỏi của chúng ta là: “Ở độ tuổi nào thì một người phải chịu trách nhiệm về sự phạm tội của mình?


Theo truyền thống Do Thái, một đứa trẻ được coi là trưởng thành khi mười ba tuổi.


Tuy nhiên, cũng có một số gợi ý là đến hai mươi tuổi. Kết luận này được rút ra từ Dân Số Ký 14:29,31 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:39. Khi thế hệ Xuất Hành chống nghịch Chúa, thì tất cả đàn ông phải chịu chết trong hoang mạc mà không được bước vào Đất Hứa, ngoại trừ Ca-lép, Giô-suê, và những đứa trẻ dưới hai mươi tuổi. Phục truyền 1:39 chép:

Còn những con trẻ mà các con nghĩ rằng chúng sẽ trở thành chiến lợi phẩm cho giặc, và những con trai các con mà hôm nay chưa phân biệt điều thiện điều ác, chúng sẽ được vào xứ đó. Ta sẽ ban cho chúng xứ nầy làm sản nghiệp.

Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký, Môi-se nói thế hệ đó “chưa phân biệt điều thiện và điều ác.”


Dân Số 14:29, 31 có chép:


Thây các con sẽ ngã chết trong hoang mạc. Tất cả những người đã được kiểm tra từ hai mươi tuổi trở lên, là những kẻ đã cằn nhằn với Ta… Ta sẽ đem vào xứ đó những đứa con nhỏ đó…

Kinh Thánh ngụ ý rằng những người dưới hai mươi tuổi được coi là “chưa phân biệt điều thiện và điều ác”, tức là các em còn là trẻ em và do đó sẽ được tiếp nhận vào nước Thiên Đàng, ngay cả khi các em chưa xưng nhận Đấng Christ.


Ngoài ra, đề cập đến những người có trí tuệ và nhận thức bị coi là kém hoặc không phát triển dù ở độ tuổi trưởng thành, bệnh nhân tâm thần, thiểu năng hoặc những người bị mắc bệnh về thần kinh, tôi mạnh dạn gợi ý rằng tất cả những phân tích trên có thể áp dụng được. Tôi tin rằng Chúa, trong tình yêu thương và ân điển, sẽ tiếp nhận họ vào nhà Ngài.

Comments


GỢI Ý

bottom of page